Nghiên cứu chỉ rõ, thông qua Chương trình TTS đi Nhật Bản, trong những năm trở lại đây đã có hàng chục nghìn thanh niên được tiếp cận những kỹ năng công nghệ sản xuất tiên tiến cùng tác phong làm việc chuyên nghiệp của người Nhật. Tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người, đưa số lượng TTS của Việt Nam đứng đầu tại Nhật Bản.
Sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, TTS Việt Nam có thể tiết kiệm được 23.000 USD sau thời gian lao động tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu của VEPR, công việc tại Nhật Bản của 49% TTS không liên quan đến công việc mà họ đã làm hoặc từng học trước đó. Hiện nhiều TTS Việt Nam từ Nhật Bản về không phát huy được các kỹ năng đã được đào tạo tại Nhật Bản, thậm chí khó hòa nhập với xã hội và môi trường làm việc dù có những “kỹ năng quốc gia của Nhật”.
Thực tế lại cho thấy, nguồn nhân lực này còn chưa được tận dụng và phát huy hiệu quả. Có 61% TTS sau khi về Việt Nam lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm tại Nhật Bản. Nhiều người trong số đó thậm chí đi làm những việc như lái xe ôm, thợ xây hoặc quay về nghề cũ sau khi mất hàng trăm triệu sang Nhật làm việc và học tập. Nếu như trước khi sang Nhật, tỷ lệ người thất nghiệp trong số thực tập sinh là 5,26% thì sau khi trở về số người thất nghiệp đã tăng lên thành 11,4%.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là TTS Việt Nam tại Nhật được đào tạo những kỹ năng lao động chất lượng cao, có thu nhập cao nhưng khi về nước họ không tìm được việc làm, do trình độ và nguyện vọng của TTS không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong nước. Vấn đề này đang gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại một trong những thị trường lao động chất lượng cao của thế giới.
Theo Báo Hải Quan