Chùa vàng Nhật Bản Kinkakuji có một cấu trúc rất ấn tượng, chùa được xây dựng xung quanh một cái hồ lớn. Tầng đầu tiên của chùa Kinkakuji được xây dựng theo phong cách Shinden sử dụng cho các tòa nhà cung điện trong thời kỳ Heian với trụ cột làm bằng gỗ tự nhiên, tường thạch cao màu trắng tạo nên sự tương phản nhưng lại làm nên nét hài hòa cho 2 tầng trên được dát vàng.
Chùa vàng Nhật bản – Kinkakuji
Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của Chùa Vàng Kinkakuji chính là một vị thế rất ấn tượng giữa những tán xanh của cây lá và ánh sáng tinh khiết phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng. Bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước hư thực làm nên một Kinkaku – viễn cảnh nổi tiếng nhất của Kyoto.
Một điểm nhấn biểu trưng cho uy thế và quyền lực của vị tướng là trần của tầng thứ 3 được bọc bởi các lá vàng mỏng. Ngày nay, toàn bộ ngôi chùa vàng Nhật Bản Kinkakuji ngoại trừ tầng trệt đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, khiến cho ngôi chùa có giá trị vô cùng lớn. Chùa Vàng cũng chính là một biểu tượng có giá trị về tinh thần, đã từng là một Shariden (Đền Xá lị) – di tích của Phật giáo.
Chùa Vàng Nhật Bản Kinkakuji được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy tại các trường học trên khắp đất nước. Tuy nhiên, từ năm 1950 một tiểu tăng đã đốt cháy toàn bộ chùa cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng trong chùa. Năm 1955 chùa được xây dựng lại nhưng cũng từ đó chùa không còn được coi là Quốc bảo nữa. Diện mạo hiện nay của Chùa Vàng có từ năm 1955 và được dát lại vàng trong lần tu phục vào năm 1987.
Những điểm thăm quan khác ở khu chùa vàng Kinkakuji bao gồm ao Anmintaku được cho là không bao giờ khô cạn, và bức tượng mà mọi người ném đồng xu vào để có được sự may mắn.