Hơn 2 thập kỷ qua, nhiếp ảnh gia Nhật Bản Shoichi Aoki đã lùng sục trên mọi nẻo đường, con phố Nhật Bản để săn lùng cái đẹp, những phong cách đường phố kỳ dị, phá cách nhưng cũng mang tính tiên phong nhất tại Tokyo. Rồi cũng có lúc, ông phải ngậm ngùi mà nói:
"Harajuku đã chết thật rồi"
"Nhắc đến thời trang, người ta thấy một dòng chảy năng lượng dồi dào tại Tokyo. Harajuku chính là khởi nguồn của dòng chảy đó. Nếu nhìn toàn cảnh bức tranh như một dòng sông và đôi bờ đang ngày càng bị thu hẹp lại bởi những nhà máy, dòng chảy này sẽ ngày càng bị bóp nghẹt".
Vào những năm 1990, Harajuku là cái nôi của những phong cách mới mẻ, thể hiện lối sống phóng khoáng của một thế hệ trẻ đang vững bước trong giai đoạn chuyển tiếp của thời trangNhật Bản. Những luồng văn hóa giao thoa, hòa hợp; đa màu như những chiếc chong chóng gió, những hiệu ứng hoạt hình trên trang phục và phụ kiện đã khiến phong cách Harajuku như thổi một luồng gió mới cho thời trang Nhật Bản và đưa nó ra ngoài thế giới.
Nhưng Harajuku đã thay đổi. Còn đâu bóng dáng những cái tôi khác biệt khi nhìn quanh đâu đây, người ta cũng chỉ thấy dáng dấp thời trang thương mại, na ná những người nổi tiếng. Những kẻ "quái tính" đang dần bị thay thế bởi lớp trẻ bảo thủ, nhạt nhòa với phong cách thời trang đầy cẩn trọng. Họ thích mặc đồ Uniqlo hay các thương hiệu thời trang khác trên thế giới, chứ không phải những bộ đồ của riêng mình.
Aoki trải lòng rằng, rồi cũng sẽ chẳng còn bóng dáng những bộ quần áo vừa "dị, đẹp, độc" trên đường phố nữa để anh cho vào cuốn tạp chí FRUiTS của mình. Kỷ nguyên thời trang Harajuku giờ như sợi chỉ vắt ngang cuộc sống hiện đại, chỉ chờ bị cắt đứt bất cứ lúc nào.
Aoki đến với nghiệp chụp ảnh thời trang đường phố từ giữa thập niên 80, khi anh còn ở London. Bắt đầu từ năm 1996, Shoichi đã chứng kiến sự chuyển mình của Harajuku - tụ điểm thời trang số 1 của thủ đô Tokyo. Từ phong cách thời trang của những gã hippi, cô nàng ngổ ngáo đi dạo phố cho tới những trung tâm thương mại thời thượng với những quý cô diêm dúa hơn, tất cả đều được ghi lại trong tạp chí FRUiTS của Shoichi.
Vào giữa những năm 1990s, khu vực tụ hội những phong cách Harajuku đặc sệt, thường được gọi là "Ura-Harajuku" ra đời. Từ đó, các thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực thời trang đường phố của Nhật Bản là Undercover và A Bathing Ape đã tạo nên thứ phong cách thời trang lan ra toàn cầu, mà người địa phương gọi là Ura-Harajuku-kei.
Lạc vào khu phố Takeshita, bạn sẽ ngập trong những cửa hàng quần áo giá rẻ cho trẻ em và thanh niên. Còn với Omotesandō, nơi đây là thiên đường với các cửa hàng cao cấp. Đến năm 1998, một phần con đường tại Omotesandō, được gọi bằng cái tên, Hokosha Tengoku hay "thiên đường cho khách bộ hành", đã được sử dụng làm phố đi bộ vào Chủ nhật. Đây chính là nơi mà Aoki đã chụp được rất nhiều bức ảnh ấn tượng cho tạp chí của mình. Trả lời phỏng vấn CNN về phong cách thời trang mà mình yêu thích nhất, Shoichi chia sẻ:
"2 năm đầu, mọi phong cách đều khiến tôi hết sức ấn tượng. Đó là những năm đầu của Decora (Decora là viết tắt cho Decoration. Trào lưu bắt đầu từ những năm 1990 với các bộ trang phục mang phong cách sặc sỡ, trẻ con). Đây là một xu hướng thời trang hết sức ấn tượng. Tôi không nghĩ rằng sẽ được nhìn thấy phong cách này hồi sinh trong tương lai".
Đến năm 1997, thời trang đường phố thực sự lên ngôi và phổ biến với giới trẻ. Aoki đã dựng hình hài cho cuốn tạp chí FRUiTS của mình. Điều thôi thúc anh xuất bản cuốn tạp chí này là 3 cô gái anh gặp trên đường. Trong nhiều năm liền, giới học sinh sành điệu tại Tokyo bắt đầu yêu chuộng những bộ cánh đen kịt của Comme des Garçons và Yamamoto.
"Tuy nhiên, những cô gái này trông rất khác biệt", Aoki cho biết. Họ khoác lên mình những bộ trang phục vừa mang nét Nhật Bản nhưng cũng ảnh hưởng bởi phong cách châu Âu.
"Đó thực sự là phá cách, táo bạo mà tôi chưa bao giờ thấy. Tôi chưa bao giờ thấy những mái tóc vàng trước đó. Các cô gái trẻ này thực sự đã thổi một làn gió mới vào thời trang Nhật Bản và đi đầu trào lưu mà trước đó chưa từng tồn tại. Và đặc biệt hơn, nó đến từ đường phố. Tôi chắc rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử thời trang Nhật Bản xuất hiện những thứ như vậy".
Để từ đó, hàng loạt phong cách ăn mặc ấn tượng ra đời mà đến ngày nay, người ta vẫn nhắc về nó: Đó là phong cách "kawaii" đáng yêu, "wamono" - sự kết hợp giữa trang phục truyền thống Nhật Bản và Tây phương, loligoth - Lolita và gothic phối hợp, Decora... Tất cả những trang phục đó đã tạo nên một mảng màu rất riêng cho Harajuku, cho Tokyo và toàn bộ Nhật Bản. Khi được hỏi về yếu tố gì đã khiến Tokyo trông thực sự thời trang và phá cách như vậy, anh Shoichi nhấn mạnh.
"Tôi không nghĩ rằng chỉ tại Nhật Bản, người ta mới thể hiện bản thân qua quần áo. Chẳng lẽ họ lại cởi trần xuống phố? Nhưng có lẽ, tôi đoán là tại đất nước mình, mọi người thường cảm thấy gắn kết với nhóm và có tinh thần tập thể hơn; chính vì vậy, họ cũng muốn chia sẻ phong cách thời trang của mình với bạn bè. Điều này đặc biệt đúng với người trẻ".
Dù thành công như vậy, đến năm 2016, Shoichi tuyên bố sẽ đóng cửa FRUiTS sau 233 số báo từng xuất bản. Điều gì đã khiến ông quyết định như vậy?
Thực tế, không cần phải đợi tới năm 2016, thời điểm ca sĩ Mỹ Gwen Stefani ra ca khúc "Harajuku Girls" vào năm 2004, nét văn hóa này đã dần biến mất tại Nhật Bản; hoặc ít nhất trở nên thoái trào với những người tiên phong.
Lý do chính dẫn đến sự thoái trào văn hóa này vẫn còn là một ẩn số với nhiều người. Aoki đã miêu tả sự kiện Hokosha Tengoku - "Thiên đường cho người đi bộ" bị đóng cửa như một "cú đấm vào lồng ngực". Sau đó, khu vực này mất dần tính thu hút; chẳng ai tới đây mấy nữa mà thay vào đó là sự đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu thời trang lớn.
"Suối nguồn đã bị bóp nghẹt bởi các doanh nghiệp nhẫn tâm".
Hoặc có lẽ, nó như một phần tất yếu của trào lưu thời trang; khi một xu thế thu hút nhiều người, nó sẽ trở nên quá phổ biến và không còn độc đáo nữa. Và dù nguyên nhân chính xác là gì, người ta cũng thấy sự mất mát nhãn tiền của thời trang Harajuku.
"Chẳng còn đâu những tín đồ thời trang phong cách nữa; không ai mày mò, thử những cái mới nhưng vẫn giữ được nét duy mỹ và độc đáo. May ra 100 người chỉ thấy được 1 người".
Văn hóa có lúc thịnh lúc suy; và Harajuku cũng vậy. Tuy không thể giữ phong độ đỉnh cao như 20 năm về trước nhưng thời trang đường phố cũng chứng kiến sự đi lên trong vài năm trở lại đây, phần lớn là do những người nổi tiếng, như ngôi sao nhạc Pop Kyary Pamyu Pamyu. Cô được mệnh danh là đại sứ thương hiệu không chính thức của Harajuku. Nhờ có Kyary, nhiều người trẻ Nhật cũng cố gắng quay lại với phong cách ăn mặc như vậy. Các cửa hàng cà phê, quần áo thời trang cũng mọc lên nhằm níu lại chút gì đó còn sót lại của Harajuku nhưng cũng vô vọng.
Phong cách thời trang này đã hòa vào dòng chảy quá khứ của người dân Tokyo và Nhật Bản mất rồi.
Ngày nay bạn có thể bắt gặp những người trẻ khoác trên mình những bộ cánh bảy màu cầu vồng ở Harajuku, nhưng họ thường chỉ là ngôi sao trên YouTube hoặc những người nổi tiếng muốn được chú ý. Đa phần lớp trẻ Nhật Bản đang chịu an phận trong một vẻ ngoài nhạt nhòa nhưng giúp họ giấu mình tốt trong đám đông.
Nhiều người cho rằng sự thay đổi đó là do lỗi của Uniqlo - nhãn hàng thời trang đang mở rộng trên thị trường quốc tế. Với những gam màu trầm, đơn điệu và phong cách giản lược, Uniqlo có tác động rõ rệt lên phong cách thời trang của người Nhật. Những nhãn hiệu quốc tế bình dân như H&M, Forever21 cũng được nhiều người chú ý khi liên tục mở cửa hàng ở Harajuku.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Tokyo, hay Harajuku nói riêng, đã mất đi phong cách thời trang của họ. Sáng tạo thời trang vẫn là một phần trong văn hoá Nhật Bản. Đơn cử như việc bạn có thể dễ bắt gặp được nhiều người ăn mặc đẹp trên đường phố Harajuku hơn là ở bên Mĩ. Dù vậy, ngày càng ít người chấp nhận vượt ra ngoài "vùng an toàn" của thời trang, và những con người FRUiTS của 20 năm trước cũng chẳng còn là bao.
"Mọi người không chuộng kiểu cổ điển, chẳng thích những phong cách phối đồ đa dạng và ngày càng chạy theo mốt", Mohajer cho hay. "Đẹp thì có đẹp, nhưng chẳng có cá tính". Aoki nói rằng ông ta đã thấy một sự chuyển dịch trong ưu tiên của những người tiêu dùng trẻ tuổi. Theo ông, thời trang giờ không phải là ưu tiên nữa, mà là những chiếc điện thoại thông minh.
Trong bài phỏng vấn với CNN, Shoichi cũng cho biết rằng, những nhãn hàng thời trang ăn liền phát triển cũng khiến người ta không còn hứng thú với các sản phẩm phá cách. Sự lên ngôi của mạng xã hội tạo điều kiện để những thứ giống nhau xuất hiện tràn lan trên phố khi người ta bị quá ảnh hưởng bởi phong cách ăn mặc của người nổi tiếng.
"Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của mạng xã hội là một trong những lý do mình không thấy được những con người ăn mặc cá tính quanh khu Harajuku nữa. Giờ đây, họ mải mê thể hiện bản thân trên mạng xã hội nên không cần bước xuống phố nữa. Internet giờ chính là một sàn diễn thời trang lớn cho họ phô bày phong cách của bản thân".
Tuy vậy, ông vẫn lạc quan rằng ngọn lửa sáng tạo từng thổi bùng những con phố Tokyo trong các thập kỉ qua vẫn sẽ được truyền lại cho bao thế hệ sau.
"Với sức mạnh hiện có của Harajuku, và những tài năng trẻ vẫn đang phát triển, tôi tin rằng một điều gì tốt lành rồi sẽ đến".